Cuối chương trình Ngữ văn lớp 10, học sinh sẽ được tổng hợp lại các kiến thức về phần làm văn. Download.vn sẽ cung cấp tài liệu Soạn văn 10: Ôn tập phần làm văn, mời bạn đọc tham khảo sau đây.
Soạn văn 10: Ôn tập phần làm văn
Soạn văn Ôn tập phần làm văn
I. Lý thuyết
1. Nêu đặc điểm của các kiểu văn bản tự sự, thuyết minh, nghị luận và các yêu cầu kết hợp chúng trong thực tế viết văn bản. Cho biết vì sao cần kết hợp các kiểu văn bản đó với nhau?
– Tự sự: là phương thức trình bày một chuỗi các sự việc, sự việc này dẫn đến sự việc kia, cuối cùng dẫn đến một kết thúc, một ý nghĩa.
– Thuyết minh: Trình bày đặc điểm, tính chất, nguyên nhân… của các hiện tượng và các sự vật trong tự nhiên xã hội bằng phương thức trình bày, giới thiệu, giải thích.
– Nghị luận: Trình bày tư tưởng quan điểm đối với tự nhiên, xã hội, con người bằng các luận điểm, luận cứ và cách lập luận.
– Cần kết hợp các kiểu văn bản đó với nhau để bài viết đạt được hiệu quả tốt hơn.
2. Sự việc và chi tiết tiêu biểu trong văn bản tự sự là gì? Cho biết cách lựa chọn sự việc và chi tiết tiêu biểu khi viết văn bản này?
– Sự việc trong văn tự sự được trình bày một cách cụ thể: sự việc xảy ra trong thời gian, địa điểm cụ thể, do nhân vật cụ thể thực hiện, có nguyên nhân diễn biến kết quả.
– Chi tiết là những tình tiết của tác phẩm mang sức chứa lớn về nội dung, cảm xúc và tư tưởng.
– Khi viết văn bản tự sự muốn lựa chọn sự việc và chi tiết tiêu biểu cần phải quan sát, so sánh và chọn lựa ra những sự việc, chi tiết tiêu biểu nhất cho văn bản.
3. Trình bày cách lập dàn ý, viết đoạn văn tự sự có sử dụng các yếu tố miêu tả và biểu cảm.
– Dàn ý của bài văn tự sự kết hợp miêu tả và biểu cảm chủ yếu vẫn là dàn ý của bài văn tự sự với bố cục ba phần: Mở bài, thân bài và kết bài.
– Nội dung cụ thể của từng phần:
- Mở bài: Thường giới thiệu sự việc, nhân vật và tình huống xảy ra câu chuyện (Cũng có khi nêu kết quả của sự việc, số phận nhân vật trước).
- Thân bài: Kể lại diễn biến câu chuyện theo một trình tự nhất định. Trong khi kể thường có sự đan xen yếu tố miêu tả và biểu cảm.
- Kết bài: Nêu kết cục của câu chuyện, cảm nghĩ của người kể.
4. Trình bày các phương pháp thuyết minh thường được sử dụng trong một bài văn thuyết minh.
- Phương pháp nêu định nghĩa, giải thích
- Phương pháp liệt kê
- Phương pháp nêu ví dụ
- Phương pháp so sánh
- Phương pháp chú thích
- Phương pháp giảng giải nguyên nhân – kết quả
5. Làm thế nào để viết được một bài văn thuyết minh chuẩn xác và hấp dẫn?
– Về tính chuẩn xác:
- Tìm hiểu thấu đáo trước khi viết.
- Thu thập đầy đủ dữ liệu tham khảo, tìm được tài liệu có giá trị của các chuyên gia, các nhà khoa học có tên tuổi, của cơ quan có thẩm quyền về vấn đề cần thuyết minh.
- Chú ý đến thời điểm xuất bản của các tài liệu để có thể cập nhật những thông tin mới, những thay đổi thường có.
– Về tính hấp dẫn:
- Đưa ra những chi tiết cụ thể, sinh động, những con số chính xác để bài văn không trừu tượng, mơ hồ.
- So sánh để làm nổi bật sự khác biệt, khắc sâu vào trí nhớ người đọc (người nghe).
- Kết hợp và sử dụng các kiểu câu làm cho bài văn thuyết minh biến hóa linh hoạt, không đơn điệu.
- Khi cần, nên phối hợp nhiều loại kiến thức để đối tượng cần thuyết minh (một thắng cảnh, một di tích, một sự vật…) được soi rọi từ nhiều mặt.
6. Trình bày cách lập dàn ý và viết các đoạn văn thuyết minh
– Mở bài: cần nêu đề tài bài viết (như giới thiệu đối tượng nào?); cho người đọc biết mục đích thuyết minh của bài viết; nêu ý nghĩa và tầm quan trọng của đối tượng thuyết minh để thu hút người đọc (người nghe)…
– Thân bài: Tuỳ theo từng bài văn cụ thể để lựa chọn cách viết phù hợp. Trong phần thân bài có nhiều đoạn văn với những mục đích, nội dung khác nhau. Thông thường, có thể xác định những đoạn văn sau:
– Kết bài: Trở lại với đề tài của văn bản thuyết minh, lưu lại những ấn tượng ở người nghe (người đọc).
7. Trình bày cấu tạo của một lập luận, các thao tác nghị luận và cách lập dàn ý bài văn nghị luận.
– Cấu tạo của một lập luận: luận điểm, luận cứ và luận chứng.
– Các thao tác nghị luận: phân tích, tổng hợp, diễn dịch, quy nạp, so sánh, bình luận.
– Cách lập dàn ý bài văn nghị luận:
- Nhận thức đúng về bài nghị luận (kiểu bài nghị luận, vấn đề nghị luận, phạm vi tài liệu).
- Tìm ý cho bài văn. Tìm ý chính là tìm ra các luận điểm, luận cứ, từ khái quát đến cụ thể, chi tiết.
- Lập dàn ý là việc lựa chọn, sắp xếp, triển khai các luận điểm, luận cứ lồng vào bố cục ba phần sao cho hợp lý.
8. Trình bày yêu cầu và cách thức tóm tắt văn bản tự sự, văn bản thuyết minh.
- Yêu cầu: ngắn gọn, rành mạch, sát với nội dung cơ bản của văn bản gốc.
- Cách tóm tắt văn bản thuyết minh: đọc văn bản cần tóm tắt, xác định bố cục của văn bản cũng như nội dung chính của văn bản.
9. Nêu đặc điểm và cách viết kế hoạch cá nhân, quảng cáo.
– Đặc điểm:
- Kế hoạch cá nhân: Trình bày một cách khoa học, cụ thể về thời gian, mục tiêu cần đạt…
- Quảng cáo: ngắn gọn, súc tích, hấp dẫn, tạo ấn tượng, trung thực, tôn trọng pháp luật và thuần phong mỹ tục.
– Cách viết:
- Kế hoạch cá nhân: Xác định mục tiêu, nội dung, cách thức và thời gian tiến hành để hoàn thành công việc, thể hiện dưới dạng các đề mục lớn nhỏ khác nhau, cần thiết có thể kẻ bảng.
- Quảng cáo: Xác định nội dung cơ bản cho lời quảng cáo, chọn hình thức quảng cáo.
10. Nêu cách thức trình bày một vấn đề
– Trình bày một số vấn đề là kỹ năng giao tiếp quan trọng và thường xuyên được sử dụng.
– Trước khi trình bày cần tìm hiểu, suy nghĩ, nghiền ngẫm để hiểu đối tượng, chuẩn bị đề tài, đề cương cho bài nói. Khi trình bày tuân thủ trình tự sau: khởi đầu, diễn biến (lần lượt trình bày các nội dung), kết thúc (nói lời cảm ơn người nghe).
– Chú ý đến ngữ điệu, cử chỉ, ánh mắt, điệu bộ…
II. Luyện tập
Câu 1. Lập dàn ý, viết các kiểu đoạn văn trong bài văn tự sự, thuyết minh
Gợi ý:
– Lập dàn ý bài văn tự sự:
- Mở bài: Thường giới thiệu sự việc, nhân vật và tình huống xảy ra câu chuyện.
- Thân bài: Kể lại diễn biến câu chuyện theo một trình tự nhất định. Trong khi kể thường có sự đan xen yếu tố miêu tả và biểu cảm.
- Kết bài: Nêu kết cục của câu chuyện, cảm nghĩ của người kể.
– Lập dàn ý bài văn thuyết minh:
- Mở bài: Giới thiệu đối tượng thuyết minh
- Thân bài: Trình bày cấu tạo, đặc điểm lợi ích… của đối tượng.
- Kết bài: Bày tỏ thái độ với đối tượng.
Câu 2. Hãy tóm tắt nội dung các bài: Khái quát văn học dân gian Việt Nam (Ngữ văn 10, tập 1), Nguyễn Du và bài Văn bản văn học (Ngữ văn 10, tập 2).
– Khái quát văn học dân gian Việt Nam:
Văn học dân gian là thể loại văn học truyền miệng, do nhân dân lao động sáng tác và lưu truyền, phục vụ các sinh hoạt khác nhau của cộng đồng. Đặc trưng cơ bản của văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ truyền miệng (tính truyền miệng) và là sản phẩm của quá trình sáng tác tập thể (tính tập thể). Các thể loại bao gồm: thần thoại, sử thi, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, tục ngữ, câu đố, ca dao, vè, truyện thơ, chèo. Giá trị của thể loại văn học này về mặt nội dung đó là kho tri thức bách khoa của nhân dân các dân tộc. Nó góp phần giáo dục đạo lý làm người. Còn về mặt nghệ thuật, văn học dân gian mang đậm đà bản sắc dân tộc (ngôn ngữ, hình ảnh…)
– Truyện Kiều (phần một: tác giả):
Nguyễn Du (1765 – 1820), tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên. Quê gốc làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng sinh và trải qua thời niên thiếu ở Thăng Long. Ông sinh trưởng trong một gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan và có truyền thống về văn học. Cuộc đời ông gắn bó sâu sắc với những biến cố lịch sử của giai đoạn cuối thế kỉ XVIII – đầu thế kỉ XX. Nguyễn Du là người có kiến thức sâu rộng, am hiểu văn hóa dân tộc và văn chương Trung Quốc. Sự nghiệp văn học của Nguyễn Du gồm nhiều tác phẩm có giá trị bằng chữ Hán và chữ Nôm. Các tác phẩm của ông bao gồm sáng tác bằng chữ Hán (3 tập thơ, gồm 243 bài): Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục; sáng tác bằng chữ Nôm: Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều)…
– Văn bản văn học:
Văn bản văn học (truyện cổ tích, bài thơ, cuốn tiểu thuyết, thiên bút kí, vở kịch…) là những văn bản đi sâu phản ánh hiện thực khách quan và khám phá thế giới tình cảm và tư tưởng, thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ của con người.Văn bản văn học được xây dựng bằng ngôn từ nghệ thuật, có hình tượng, có tính thẩm mĩ cao. Văn bản văn học được xây dựng theo một phương thức riêng – nói cụ thể hơn là mỗi văn bản văn học đều thuộc một thể loại nhất định, và theo những quy ước, cách thức của thể loại đó. Cấu trúc của văn bản văn học bao gồm: Tầng ngôn từ – từ ngữ âm đến ngữ nghĩa, tầng hình tượng, tầng hàm nghĩa. Nhà văn sáng tác ra văn bản văn học. Đó là một hệ thống kí hiệu tồn tại khách quan. Nhưng khi nằm im trên giá sách, văn bản chỉ là một tập giấy có chữ, chỉ có thông qua việc đọc, hệ thống ký hiệu ấy mới hiện lên trong tâm trí người đọc những sự việc, hình tượng nhân vật, suy nghĩ vui buồn của con người và cuộc đời… Những giá trị văn học tiềm ẩn trong văn bản sẽ được tiếp nhận.